THẤT NGHIỆP VÌ PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP
Mấy tháng nay,ònmỏivớiphiếulýlịchtưphásem anh B. (ngụ Q.4, TP.HCM) liên tục đến Sở Tư pháp để nhận kết quả phiếu lý lịch tư pháp nhưng vẫn chưa có. Trước đó, anh đến làm thủ tục đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp, theo giấy hẹn của Sở thì ngày 18.8 anh có kết quả. Nhưng đã quá thời gian hẹn rất lâu, nhiều lần anh B. đến hỏi cũng chỉ nhận được câu trả lời "chưa có, về chờ!". Lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM đã 2 lần gửi thư xin lỗi, mong anh B. thông cảm vì "phải chờ kết quả xác minh của cơ quan tổ chức có liên quan".
Anh B. làm nghề chạy xe ôm công nghệ, anh đã nộp thư xin lỗi này cho hãng xe, để chứng minh việc chậm cung cấp phiếu lý lịch tư pháp không phải lỗi do anh. Tuy nhiên, hãng xe công nghệ không thông cảm và khóa app, không cho anh chạy xe chở khách nữa. "Vợ tôi sắp sinh rồi, tôi cần tiền để lo cho vợ con. Không có phiếu lý lịch tư pháp, tôi không thể chạy xe mưu sinh. Tôi thất nghiệp rồi!", nỗi lo hằn rõ trên khuôn mặt của đôi vợ chồng trẻ.
Một trường hợp khác, giữa tháng 11.2023, ông N.N.Th (64 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) đến Sở Tư pháp TP.HCM lấy giúp người thân phiếu lý lịch tư pháp để chuẩn bị đi Mỹ. Theo phiếu hẹn của Sở ngày 5.9 có kết quả nhưng đây là lần thứ ba ông Th. đến Sở để hỏi kết quả theo phiếu hẹn. Ông cũng gọi điện thoại đến Sở rất nhiều lần nhưng cán bộ chỉ trả lời chưa có, nhưng không rõ đến bao giờ thì có. Ở nhà chờ đợi cũng sốt ruột, vì thế, cứ khoảng 15 ngày ông Th. lại chạy xe đến hỏi trực tiếp cho "chắc ăn".
"Tại sao trễ hạn trả kết quả đã hơn 2 tháng rồi, mà giờ vẫn chưa có ? Vướng mắc ở đâu thì phải cho người dân biết lý do chứ! Sao cứ ngâm hoài vậy ?", giọng ông Th. vang lên tại quầy tiếp nhận. Bởi theo ông, chừng nào chưa được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì người thân của ông không thể làm thủ tục sang Mỹ.
NỘP HỒ SƠ ONLINE CŨNG NHƯ KHÔNG
Chị T. làm phiếu lý lịch tư pháp cho hai vợ chồng để bổ sung hồ sơ du học. Chị cứ đinh ninh là mình đã làm xong thủ tục qua đường online, vì đã được bộ phận một cửa cấp mã số hồ sơ thông qua tin nhắn. Nhưng rồi chị vẫn phải đến Sở Tư pháp thật sớm mới may ra có được số thứ tự chỉ để đóng tiền phí 200.000 đồng/bộ hồ sơ.
Đến nơi chị T. đưa điện thoại di động cho bộ phận tiếp nhận để mong được giải quyết nhanh. Bất ngờ, cán bộ đưa cho chị T. tờ giấy in theo mẫu để điền thông tin, làm lại thủ tục từ đầu như bao nhiêu người khác đến làm trực tiếp. Chị T. ngơ ngác không hiểu sự khác biệt giữa làm online và làm trực tiếp tại trụ sở là như thế nào rồi cũng đành ngậm ngùi ra bàn ngồi điền lại thông tin. Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ mình chị T., mà còn rất nhiều trường hợp khác cũng đến đưa điện thoại di động ra cho cán bộ xem mã số hồ sơ nhưng vẫn bị yêu cầu ngồi viết lại hồ sơ từ đầu...
Trao đổi với PVThanh Niên, ông Phan Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết trung bình mỗi ngày, Sở Tư pháp tiếp nhận khoảng 550 - 600 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. So với cùng kỳ năm 2022, số lượng hồ sơ lý lịch tư pháp tiếp nhận có chiều hướng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2022 tiếp nhận và giải quyết hơn 100.400 hồ sơ (trễ hạn 4,9%). Trong 10 tháng năm 2023, Sở tiếp nhận và giải quyết 101.480 (trễ hạn 4,9%). Mặc dù số lượng hồ sơ tăng mạnh, nhưng Sở vẫn cố gắng duy trì tỷ lệ hồ sơ trễ hạn dưới 5%. Việc trễ hẹn có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là cơ quan phối hợp xác minh như Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an), Công an TP.HCM chậm trả kết quả xác minh cho Sở Tư pháp.
"Trong quá trình xử lý hồ sơ, một số người dân không thừa nhận kết quả xác minh nên Sở Tư pháp đề nghị Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia xác minh lại. Kết quả phúc đáp cho những hồ sơ nêu trên còn chậm, nên ảnh hưởng đến thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân", ông Tùng thừa nhận.
Theo phó giám đốc này, trong công tác xác minh hồ sơ lý lịch tư pháp có án tích, một số đơn vị còn có quan điểm việc cấp phiếu là công việc của Sở Tư pháp. Một phần hồ sơ lưu trữ quá lâu, nên việc phúc đáp thông tin xác minh tiền án, tiền sự chưa đảm bảo thời gian theo quy định, dẫn đến chậm trễ cấp phiếu cho người dân. Do đó, Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp quan tâm đến việc đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và tòa án, viện kiểm sát, thi hành án dân sự trong công tác xác minh hồ sơ lý lịch tư pháp có án tích. Việc này nhằm đảm bảo thời gian giải quyết việc cấp phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của công dân.
Ông Tùng cho biết thêm Sở chỉ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp theo 2 hình thức là trực tiếp tại trụ sở và qua bưu điện. Bên cạnh đó, Sở đang phối hợp với Sở TT-TT triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp. Dự kiến thử nghiệm trong tháng 12.2023 và vận hành chính thức từ tháng 1.2024.
Đăng ký trực tuyến chưa "mượt" vì máy móc chưa đồng bộ
Ghi nhận tại trụ sở Sở Tư pháp Hà Nội (Q.Hà Đông, Hà Nội) cũng có nhiều người đợi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp. Anh B.M.T (36 tuổi, trú H.Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: "Ngày trước, tôi thấy chỉ cần giấy xác nhận dân sự của địa phương là đủ nhưng giờ thì hầu hết các công ty đều yêu cầu người lao động phải có phiếu lý lịch tư pháp. Do cần phiếu gấp để xin việc nên tôi đi nộp trực tiếp", anh T. nói.
Theo một lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội, dù nhu cầu xin cấp phiếu lý lịch tư pháp có phần "hạ nhiệt" hơn so với hồi tháng 4 nhưng trung bình mỗi ngày, đơn vị vẫn tiếp nhận từ 450 - 500 trường hợp xin cấp phiếu. Người dân làm hồ sơ theo các hình thức: đăng ký qua Cổng dịch vụ công TP.Hà Nội, Cổng dịch vụ cấp lý lịch tư pháp trực tuyến hoặc đến nộp hồ sơ trực tiếp. Ngoài việc nộp hồ sơ trực tiếp tại phòng một cửa, người dân có thể lựa chọn phương thức nộp hồ sơ, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích tại 60 điểm bưu cục của Bưu điện Hà Nội.
Theo lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân trực tiếp đi làm thủ tục hành chính tại trụ sở. Theo đó, một phần do việc đăng ký qua Cổng dịch vụ công TP.Hà Nội vẫn "chưa được thuận lợi, chưa mượt" vì máy móc, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ. Tỷ lệ giải quyết thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp theo hình thức này chỉ khoảng vài chục trường hợp/ngày.
Nói về tỷ lệ trả phiếu trễ hạn, lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội cho biết số lượng này không nhiều, thường sẽ là các trường hợp chưa được xóa án tích nên "phải lấy nhiều thông tin từ các đơn vị liên quan". "Hy vọng trong thời gian tới, phòng tư pháp cấp huyện sẽ được ủy quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp. Sau khi việc ủy quyền và chia sẻ, kết nối dữ liệu được thực hiện xong thì người dân không phải đến sở tư pháp làm thủ tục nữa", lãnh đạo này cho biết thêm.
Nguyễn Trường
Người dân Cần Thơ phải chờ rất lâu
Tại Sở Tư pháp TP.Cần Thơ, mỗi ngày có khoảng 50 - 60 người đến đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp và phải chờ đợi rất lâu. Lúc nào tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của sở này cũng có từ 10 - 20 người ngồi chờ nộp, nhận hồ sơ hàng giờ, thậm chí cả buổi.
Dương Lê Duy Khiêm (sinh viên Trường ĐH Cần Thơ), đến xin phiếu lý lịch tư pháp số 1 để đi làm thêm, cho biết: "Tôi thấy chỉ có 1 - 2 cán bộ tiếp nhận, xử lý mà mỗi hồ sơ mất 20 - 30 phút cho nên ai cũng phải chờ. Bản thân tôi, 14 giờ đến bấm lấy số thứ tự nhưng chờ đến 17 giờ hết giờ làm vẫn chưa tới lượt nên được hẹn quay lại hôm nay. Nãy giờ chờ hơn 1 tiếng rồi nhưng vẫn còn khoảng 6 người nữa mới tới lượt".
Tương tự, anh Khuất Huy Phong (ngụ TP.Cần Thơ) xin phiếu lý lịch tư pháp để đi xuất khẩu lao động cho biết: "9 giờ sáng tôi đến đây rồi, bấm số 1036 nhưng chờ tới hết giờ trưa mới giải quyết đến số 1033. Cách nhau có 3 người mà từ 13 giờ quay lại đến giờ gần 2 tiếng mới nộp xong. Tôi thấy Sở Tư pháp TP.Cần Thơ nên tăng cường thêm cán bộ để giải quyết hồ sơ cho người dân nhanh hơn chứ chờ kiểu này mất thời gian quá".
Đình Tuyển